Chuyên gia Bộ Ngoại giao Mỹ: Doanh nghiệp không cần sinh viên giỏi ngữ pháp tiếng Anh

Ngày đăng: 01/10/2024 01:57 PM

    'Chúng ta phải dạy cho sinh viên nhiều thứ khác ngoài ngữ pháp, câu bị động, từ vựng', theo chuyên gia tiếng Anh cao cấp từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

    Tiến sĩ Marian Dent - chuyên gia tiếng Anh cao cấp, Bộ Ngoại giao Mỹ - trình bày tham luận tại sự kiện ngày 13-6 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

    Tiến sĩ Marian Dent - chuyên gia tiếng Anh cao cấp, Bộ Ngoại giao Mỹ - trình bày tham luận tại sự kiện ngày 13-6 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

    Tại hội thảo quốc tế về giảng dạy tiếng Anh pháp lý do Đại sứ quán Mỹ và Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức, tiến sĩ Marian Dent - chuyên gia tiếng Anh cao cấp, Bộ Ngoại giao Mỹ - cho rằng ngày nay nhiều trường đại học tại Việt Nam vẫn đang dạy tiếng Anh nghiêng về ngữ pháp và từ vựng đơn thuần.

    Tuy nhiên theo bà, đây không phải là điều các công ty, doanh nghiệp cần ở nhân sự trong thực tế.

    Điển hình với các công việc thuộc lĩnh vực pháp lý, tiến sĩ Marian Dent đã thực hiện các cuộc khảo sát với những lãnh đạo doanh nghiệp và nhận thấy một số kỹ năng tiếng Anh mà họ rất cần ở các ứng viên như có thể giao tiếp trôi chảy với khách hàng, biết đọc và tóm tắt lại những gì đã đọc, biết cách viết một quy trình, quá trình để hướng dẫn cho khách hàng…

    "Thứ họ không cần - họ rất muốn sinh viên tốt nghiệp các trường luật biết điều này - rằng họ không cần ngữ pháp", tiến sĩ Marian Dent nói.

    Do vậy theo bà Marian Dent, việc dạy tiếng Anh ở các trường đại học sẽ cần được thay đổi từ việc chỉ thuần về ngữ pháp, từ vựng sang trang bị cho sinh viên nhiều kỹ năng nói và viết tiếng Anh. Bà nói: "Chúng ta phải dạy cho sinh viên nhiều thứ khác ngoài ngữ pháp, câu bị động, từ vựng".

    Dựa trên khảo sát nhu cầu của các công ty, trường đại học có thể điều chỉnh mục tiêu và phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

    Tiến sĩ Marian Dent ví dụ các công ty luật quốc tế thường rất cần ứng viên có kỹ năng tóm tắt bằng tiếng Anh. 

    Sau khi tham dự cuộc họp, gặp khách hàng, đọc tài liệu, họ phải biết tóm tắt để báo cáo. 

    Vậy thì các bài tập thực hành về tóm tắt bằng tiếng Anh, cả bằng cách viết lẫn cách nói, sẽ phải được các giáo viên đưa vào các tiết học.

    "80% các công việc trong những doanh nghiệp lớn về lĩnh vực pháp lý bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh. 

    Có doanh nghiệp tôi khảo sát thấy 100% đầu việc đều phải sử dụng tiếng Anh. Điều này cho thấy tiếng Anh quan trọng như thế nào", bà Dent nói.

    Trong khi đó, ông Ryan McKean - giám đốc phụ trách Cục Phòng chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam - cho rằng tiếng Anh dù trong lĩnh vực pháp lý hay bất cứ lĩnh vực nào khác đều sẽ luôn gắn liền với văn hóa.

    Vì vậy, khi học tiếng Anh, sinh viên không chỉ học ngôn ngữ, mà cần tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa đặc biệt để có thể giao tiếp tốt hơn với các khách hàng.

    Ngoài ra theo ông Ryan McKean, cũng nhờ gắn liền với văn hóa khi học tiếng Anh, sinh viên sẽ dễ biết cách diễn đạt ý tưởng hơn là chỉ dịch nghĩa của từng câu, từng đoạn.

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo