Ngày 13-3, Trung tâm đào tạo khu vực của Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO RETRAC) phối hợp Văn phòng tiếng Anh khu vực (RELO) thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM khởi động dự án tiếng Anh hướng nghiệp, "EnglishWorks!".
Bà Lori Shea, chuyên gia giảng dạy tiếng Anh tại SEAMEO RETRAC, chia sẻ hiện xu hướng giảng dạy tiếng Anh trên thế giới không chỉ dừng lại ở chuyện dạy để biết dùng ngôn ngữ, mà còn lồng ghép nhiều kỹ năng. Một số sách giáo khoa đang phân ra các mục nghe (listening), nói (speaking), đọc (reading), viết (writing), nhưng các kỹ năng không chỉ có vậy.
Chuyên gia Lori Shea ví dụ với một đoạn văn tiếng Anh trong tiết đọc (reading), việc đọc để hiểu nội dung, ghi chép từ vựng mới là cách dạy "truyền thống". Tuy nhiên cũng với đoạn văn ấy, giáo viên có thể dạy học sinh kỹ năng đọc lướt, đọc nhanh, kỹ năng chọn lọc, phân tích dữ liệu, kỹ năng tóm tắt…
Hoặc với một bài tập trong tiết nghe (listening), giáo viên không nên chỉ hướng dẫn học sinh nghe được, mà còn có thể tập cho các bạn kỹ năng phán đoán, kỹ năng ghi chú…
Theo bà Lori Shea, ngay cả những môi trường giáo dục có đông học sinh và thời gian hạn chế như tại các trường công Việt Nam, phương pháp này cũng có thể áp dụng.
"Không nhất thiết tiết học nào, giáo viên cũng lồng ghép dạy kỹ năng, có thể bắt đầu với một tiết mỗi tuần. Trong tiết học ấy, chỉ cần đưa vào một, hai hoạt động có chủ đích của giáo viên, chẳng hạn thảo luận, trò chơi, thuyết trình… Quan trọng nhất là giáo viên cần có kế hoạch sẽ gửi gắm vào các bài học những kỹ năng nào", bà Lori Shea nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải từ Đại học Missouri (Mỹ) cho biết ngày càng nhiều chương trình giảng dạy tiếng Anh được gắn với lĩnh vực khác, trong đó có STEM. Học tiếng Anh từ đó không phải chỉ học ngữ pháp, từ vựng, mà là đi liền một mảng cụ thể.
Tuy nhiên theo ông Hải, một trong những thách thức của cách dạy này nằm ở giáo viên, bởi không phải thầy cô tiếng Anh nào cũng giỏi luôn những môn khác như STEM. Muốn vậy, giáo viên cũng sẽ cần kế hoạch tự học hỏi, trau dồi thêm cho mình.
Tương tự, ThS Võ Phạm Trinh Thư, phó giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Trường đại học Cần Thơ, nhìn nhận thử thách hiện tại với các giáo viên tiếng Anh là phải luôn biết cập nhật. Không thể dạy theo hướng "cho - nhận" như trước đây, các thầy cô tại những trung tâm tiếng Anh cần linh hoạt bài giảng theo thị hiếu người học.
Chẳng hạn, cùng một bài tập nói (speaking) chủ đề người nổi tiếng cho lớp các bạn trẻ, nếu chọn một nhà khoa học thì khó hút bằng một nghệ sĩ "hot". Theo cô Thư, các giáo viên đòi hỏi phải theo dõi truyền thông, mạng xã hội để liên tục tìm kiếm các chất liệu giảng dạy mới.
"Ngoài ra người học tiếng Anh tại các trung tâm cũng có mong muốn tiếp nhận những câu chuyện, trải nghiệm từ thầy cô đứng lớp để mở rộng vốn sống, góc nhìn cho mình", cô Thư nói.
Mục đích của dự án "EnglishWorks!" được SEAMEO RETRAC và RELO thuộc Đại sứ quán Mỹ triển khai là giúp người học cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh trong giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), đồng thời hỗ trợ người học hoàn thiện các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm để phát triển chuyên môn, hoặc tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp.
Đối tượng của chương trình là thanh niên đã hoặc đang học khối ngành kỹ thuật, có hoàn cảnh khó khăn, đang đi làm hoặc chưa có việc làm, có khát vọng vươn lên trong học tập, có triển vọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.